Emily in Paris: "Mộng mơ" hay "Mộng tưởng"

Emily in Paris:

Có rất nhiều cô gái mang giấc mơ Paris hoa lệ, được đắm chìm trong tủ đồ thời trang thanh lịch và sải bước tự tin trên phố.

Nhưng sau khi xem xong Emily in Paris - series hài lãng mạn của Netflix do đạo diễn nổi tiếng Darren Star (người đứng sau sự thành công vang dội của Sex and the city) - có lẽ nhiều người sẽ phải suy nghĩ lại về hình ảnh thủ đồ xinh đẹp này của nước Pháp.

Bộ phim kể về Emily Cooper, một cô gái trẻ người Mỹ được cử sang Pháp làm việc trong 1 năm. Trước khi đặt chân lên vùng đất mới, cô đã mơ về “Kinh đô ánh sáng” như trong những bộ phim tình cảm nổi tiếng, với khung cảnh lãng mạn, con người hào hoa. Nhưng ngay ở tập đầu tiên, Emily đã cho thấy cảm xúc “vỡ mộng” về những điều cô mơ tưởng. Cô bị người dân và đồng nghiệp kỳ thị bởi cô không biết tiếng Pháp, không học hỏi văn hóa bản địa, áp đặt những quy tắc rất Mỹ lên con người Pháp…

Emily in Paris được đánh giá có nội dung bình thường, quen thuộc, nhưng lại cuốn hút từng tập đến bất ngờ. Tại sao lại như vậy? Cùng Her giải mã sự băn khoăn của các cô nàng khi thưởng thức bộ phim “Paris, mộng mơ hay mộng tưởng?”

Bộ phim hoàn toàn cất cánh rời khỏi hiện thực, chối bỏ tất cả những diễn biến thực tế để tạo ra một Paris đẹp tựa “xứ sở thần tiên”.

Thủ đô Paris cổ kính đến mức cũ kỹ với một tòa nhà cho thuê không có thang máy, nhưng lại lãng mạn đến mức mở ban công ra là nhìn thấy tháp Eiffel sáng rực cả một khoảng trời… Mỗi cuộc hành trình mới, Emily lại gặp một chàng trai và sẵn sàng trao nhau những phút giây ân ái, chẳng cần phải suy nghĩ quá nhiều về một tình yêu cổ tích trong một không gian đầy cổ tích.


Đích thân Emily đã nói trong phim: “Đây là Paris. Đây là một vũ trụ song song mà mọi quy luật của cuộc đời này chẳng nghĩa lý gì.” Và Emily thực sự tồn tại ở một Paris song song không hoàn toàn thực tế. Đó là một Paris được Darren Star - người làm nên thành công của Sex And The City huyền thoại. Cảnh phim chứa đựng giá trị nghệ thuật vừa đủ nhưng toát lên thế giới cổ tích hiện hữu giữa thế kỉ XXI.

Và điều bộ phim chạm tới trái tim của các cô gái là thời trang của Emily. Mỗi ngày, Emily lại khoác lên mình một xiêm y hoàn toàn khác biệt, đa dạng phong cách, màu sắc rực rỡ. Hơn thế nữa, toàn bộ trang phục Emily diện đều là hàng hiệu đến từ các nhà mốt lừng danh như Chanel, Dior, Saint Laurent... Nếu như ai có tìm hiểu thời trang Pháp thì có thể thấy sự tối giản, kín đáo vừa đủ, thanh lịch mới là phong cách phụ nữ tại đất nước này. Nhưng Emily là người Mỹ, cô mang theo con mắt của người Mỹ đến nước Pháp. Những bộ cánh của Emily mang âm hưởng “giao thời”, vừa cổ điển mà hiện đại, đánh bật mọi quy tắc về thời trang của một nàng thơ Pháp đích thực.

Dẫu vậy, sự đổi mới trong thời trang của Emily như ngầm thể hiện “Thời trang Pháp kinh điển đã quá cũ kỹ để có thể hòa nhập thế hệ mới, hiện đại hơn và bản năng hơn”.

Chính vì thế, “giấc mơ Paris” hình thành trong tâm trí chúng ta thật nhẹ nhàng nhưng đầy thôi thúc phải được chiêm ngưỡng Paris lãng mạn, đắm mình vào nước Pháp huyền diệu bằng cả con người mình. Không theo một quy tắc nào.

Bên cạnh khung cảnh thơ mộng và hoa lệ, Emily in paris “lột trần” một điều khiến ai cũng bất ngờ, đó là tính cách con người. Cô bạn Mindy của Emily đã nói rằng: “Paris đẹp thật đấy, nhưng con người thì xấu tính”. Có lẽ khi xem đến đây, những cô gái chưa đặt chân đế Paris bao giờ sẽ vỡ mộng đôi chút. Đồng nghiệp hắt hủi Emily chỉ vì cô không biết tiếng Pháp thôi ư? Tính nghệ sĩ quá đà của người bán hoa trỗi dậy mãnh liệt, khi nhất quyết không bán loại hoa mà Emily thích chỉ vì cô KHÔNG HỢP? Hay một người đã có vợ nhưng có thể cặp với phụ nữ khác thật quá dễ dàng, gần như người vợ đã chấp nhận điều đó? Còn rất nhiều tình tiết khác nói về con người Pháp thông qua con mắt của đạo diễn Mỹ, cô gái Mỹ trong Emily in Paris.

Không phải tự dưng mà bộ phim thu nhiều ý kiến trái chiều về sự “xung đột” giữa 2 nền văn hóa Mỹ và Pháp. Nhưng dường như, tính Mỹ đã khiến thành phố Paris phải chạy theo Emily. Vậy thực chất chúng ta đang thưởng thức một thế giới Pháp nguyên bản hay cuộc sống Mỹ trên đất Pháp? Điều này tùy thuộc vào cách đón nhận của chúng ta.

Mức độ cổ tích phóng đại đến giả tưởng của phim, lại chính là điểm nổi bật khiến mọi lo ngại về việc phim chiều hư hay khiến khán giả ảo tưởng đều là dư thừa.

Tôi thích Emily In Paris, và thực tế, cách bộ phim làm quá về hiện thực lại gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ và thậm chí tỉnh mộng ngay khi xem phim. Tôi nghĩ Emily In Paris dễ dàng đánh thức người xem khỏi cơn mơ mộng, bởi nó đẹp đẽ và quá sức hoang đường. Có lẽ đây là một nghịch lý đáng khen của Emily In Paris: cứ xem đi, cứ mơ mộng đi, nhưng sau khi mười tập phim khép lại thì ý thức về thực tại sẽ ngay lập tức quay về. Ta phải làm sao để sinh tồn được ở Paris nếu như ta không phải là Emily: không xinh đẹp, không đắp quanh người bằng hàng hiệu, không mang trên mình “hào quang nữ chính”, và hoang mang tột độ về cách phân loại giống đực - giống cái trong thứ ngôn ngữ lãng mạn nhất hành tinh? Tôi tận hưởng sự mơ mộng của phim và cả động lực để lao vào cuộc sống sau đó” - Một graphic designer chia sẻ.

Và hãy nhớ rằng Darren Star là một nhà sản xuất lão làng của thể loại phim truyền hình, ông hiểu rõ cổ tích ngọt ngào là một thứ mà cả thế giới này đều đang thiếu, đang cần. Thời đại nào lại chẳng cần cổ tích để nhâm nhi và tưởng tượng trong phút chốc, đúng không?

Vậy chúng ta liệu đang mộng mơ về Paris hay chỉ là mộng tưởng về “xứ sở thần tiên”? Hãy tự cho mình câu trả lời của riêng mình nhé!

Đang xem: Emily in Paris: "Mộng mơ" hay "Mộng tưởng"